Từ năm 1947 đến nay, kim phút trên chiếc đồng hồ ẩn dụ báo Ngày tận thế lúc 12 giờ khuy của các nhà khoa học Mỹ đã qua 18 lần điều chỉnh. Gần đây nhất, vào ngày 18/1/2007, nó đã được nhích thêm 2 vạch và chỉ còn 5 vạch nữa là đến giờ định mệnh.
Sinh tử là lẽ trời, trái đất không thể là một ngoại lệ. Rồi nó sẽ lụi tàn, chỉ có điều sau hàng tỷ năm nữa, khi mặt trời ngày càng già nua. Mà lúc đó có lẽ con người sẽ chế tác ra những mặt trời khác. Cho nên cái "Ngày tận thế" vẫn mãi là chuyện hoang đường, trừ phi con người quá khôn ngoan mà trở nên điên loạn và tự huỷ diệt mình. Tiếc thay, nguy cơ này lại có thật.
Hàng nghìn đầu đạn hạt nhân nằm trên bệ phóng sẵn sàng chờ lệnh ấn nút. Hàng vạn quả khác chất đầy kho. Gần 500 quả đủ kích cỡ được cho thử nghiệm, gieo rắc chất phóng xạ toàn cầu. Thấm mệt, cả hai phải hoà hoãn. Hiệp định ngừng thử vũ khí hạt nhân trong khí quyển được ký kết năm 1963 đã kéo chiếc kim phút ra xa đến 12 vạch.
Nhưng phải đến 30 năm sau, các nhà khoa học mới thở phào khi chiến tranh lạnh kết thúc vào năm 1991. Kim phút được kéo ra xa nhất, đến 17 vạch. Nhưng trái với mong đợi, thế giới vẫn tiếp tục bất ổn, kim phút lại nhích dần lên, và sau 4 lần điều chỉnh, đến ngày 18/1/2007 mới đây nó chỉ còn cách 5 vạch nữa là đến số 12 định mệnh.
Chiếc đồng hồ báo Ngày tận thế là chế tác của những người thích đùa? Không! Phải có trí tuệ siêu việt mới đùa hay như thế. Vào những năm 70 của thế kỷ trước, khi cuộc đối đầu giữa hai siêu cường lên đến cực điểm, trái đất từng tàng trữ 40.000 đầu đạn hạt nhân với sức công phá tổng cộng trên 13 tỷ tấn TNT, ngót một triệu lần mạnh hơn quả bom rơi xuống Hiroshima (15.000 tấn TNT). Quả thật lúc này trên thế giới có không ít người thích đùa. Đó là các chiến lược gia vẽ ra những kịch bản sử dụng kho vũ khí này. Sản phẩm của họ chất đầy các tủ hồ sơ tuyệt mật của hai bên. Họ không thèm đếm xỉa đến hậu quả của các kịch bản đó đối với số phận của loài người.
Ít ai nghĩ đến điều gì sẽ xảy ra khi chỉ cần 5 trong số 13 tỷ tấn TNT được hai bên nhấn nút nhằm vào 1000 thành phố trong dải vĩ độ 30-60 ở bắc bán cầu. Chưa kể đổ nát, chết chóc và bụi phóng xạ khủng khiếp, người và sinh vật có cơ may sống sót sau thảm họa đó sẽ chết dần trong "Mùa đông hạt nhân" do 200 triệu tấn khói đen bao phủ bầu trời khiến cho nhiệt độ khí quyển giảm đi từ 10 đến 20 độ C và 50% tầng ozone bị thủng. Chảy mãi theo dòng xiết Tây - Đông, chất phóng xạ và khói đen được tung lên tầng bình lưu sẽ kéo dài mùa đông hạt nhân trong nhiều năm liền.
Tất nhiên, hai vị tổng thống Nga và Mỹ chưa muốn thấy Ngày tận thế bằng cách nhấn nút các dàn phóng. Nhưng hiểm hoạ về một cuộc chiến tranh hạt nhân leo thang ở quy mô vùng dường như không nhỏ. Chỉ cần 50 quả bom loại Hiroshima nổ tung trong một cuộc chiến vùng Vịnh sẽ giết chết từ 3 đến 5 triệu người và để lại mùa đông trên một vùng rộng lớn ở hai lục địa Âu - Á.
Nhớ lại, trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, 526 giếng dầu ở Kuwait bị cháy trong nhiều ngày liền tung lên trời một lượng khói đen làm cho nhiệt độ ban ngày trong phạm vi 200 km giảm đi 10 độ C. Mà lúc đó chưa ai dùng đến vũ khí hạt nhân. ( theo vast )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
♦ Mời bạn gửi Nhận xét của mình. Nếu không có tài khoản, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách Chọn hồ sơ là Tên/URL hay Ẩn danh.
♦ Các bạn nên để lại nhận xét của mình để góp ý , phản hồi, đánh giá bài viết . Thông qua Nhận xét hãy để cho mọi người biết Bạn là ai.
BQT + NLH +