Dù được cung cấp bản vẽ cấu tạo ổ khóa kèm lời thách cược “sẽ mất tiền cho những ai mở được”, nhiều thợ khóa lành nghề vẫn phải bó tay “chào thua” ổ khóa do anh Phạm Ngọc Anh Tuấn chế tạo. Bắt đầu nghiên cứu ổ khóa thông minh từ năm 2003, song đến giữa năm 2007, anh Phạm Ngọc Anh Tuấn (38 tuổi, Q4, TP HCM) mới tạo ra được loại ổ khóa ưng ý. Kẻ gian “bó tay”
Trong lúc đi sửa máy chơi game, anh Tuấn thấy đa số các chủ cửa hàng game (sử dụng xu) phải chịu mất một khoản tiền không nhỏ, do người trông coi máy chế chìa khóa riêng để mở lấy cắp thẻ, xu… trong máy. Nhiều chủ cửa hàng biết mình bị mất tiền, nhưng cũng đành chịu vì trên thị trường vẫn chưa có loại khóa nào an toàn.
Một lần sửa máy tại quận Tân Phú, một ông chủ cửa hàng nói: “Nếu anh chế được loại khóa mà không ai mở được thì giá bao nhiêu chúng tôi cũng mua”. Thế là anh Tuấn bắt tay vào chế tạo loại khóa này và thu được thành công sau bốn năm mày mò nghiên cứu, tìm hiểu. Nếu các loại khóa khác chỉ có một ruột, chìa thường ngắn, thì ổ khóa của anh Tuấn có đến ba ruột và chìa thường dài gấp đôi. Tổng số bi của ba chìa này lên đến hơn 20 bi. Nguyên tắc của khóa gồm: ruột ngoài, chống mở và chống trùng chìa.
Do hai ruột khóa không cùng nằm trên một đường thẳng khi khóa, nên các đối tượng mở khóa chuyên nghiệp không thể mở. Trường hợp đã tìm được ruột hai, nhưng chỉ cần lần nhẹ không đúng thì các chốt ngang sẽ đóng lại. Khoan để lấy ruột khóa ra cũng không dễ do các chốt giữ ruột được làm bằng inox và chỉ trang trí phía ngoài bằng đồng để đảm bảo thẩm mỹ.
Gọng khóa cũng được làm bằng thép chống cưa. Do vậy, nếu muốn phá loại khóa này chỉ còn cách mang máy móc đến để cắt khóa. Thế hệ khóa sau này của anh Tuấn có ruột khóa ngoài hình vuông, nên kẻ trộm dùng “vam” cũng không bẻ được. Khi đã khóa lại, nếu kẻ trộm mở nắp bảo vệ khóa thì khóa sẽ phát tín hiệu báo động.Phải hơn nước ngoài
Khi bắt tay nghiên cứu loại khóa chống trộm chuyên nghiệp, anh Tuấn đã được cha mình (cũng là một thợ sửa khóa) nhắc nhở: “Đến như những hãng khóa nổi tiếng của nước ngoài như Solex, Mastery… còn chưa làm nổi loại khóa không thể mở, thì đâu đến lượt con!”.
Tuy nhiên, lời nhắc nhở này chỉ làm anh càng thêm quyết tâm làm ra một loại khóa đặc biệt. Anh hiểu được nguyên tắc là kẻ gian hay thợ sửa khóa mở được là do khóa chỉ có một ruột, bi nằm trên một đường thẳng. Từ đó, anh nghĩ: muốn chống được trộm , khóa phải có ít nhất là hai ruột, so le nhau. Nguyên lý là vậy, nhưng qua hai năm đầu nghiên cứu, thử nghiệm, anh vẫn thất bại.
Chỉ riêng tiền cưa, mài, đục, đẽo... để làm khóa đã “ngốn” mất của anh hàng chục triệu đồng. Nhưng rồi bằng tất cả niềm say mê sáng tạo, anh đã thu được thành công. Hai loại khóa trên của anh Tuấn hiện đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn đăng ký sở hữu trí tuệ.
Hiện, mỗi ngày, anh Tuấn chỉ làm được một cái vì phải trực tiếp tham gia các công đoạn làm khóa. Do vậy, khóa cứ làm ra lập tức tiêu thụ hết với giá 200.000 đồng một chiếc. Anh Tuấn vẫn đang ấp ủ kế hoạch mở rộng sản xuất khóa chống trộm và hi vọng có sự hỗ trợ, hợp tác đầu tư của những người có thiện chí. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
♦ Mời bạn gửi Nhận xét của mình. Nếu không có tài khoản, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách Chọn hồ sơ là Tên/URL hay Ẩn danh.
♦ Các bạn nên để lại nhận xét của mình để góp ý , phản hồi, đánh giá bài viết . Thông qua Nhận xét hãy để cho mọi người biết Bạn là ai.
BQT + NLH +