preload
Dưới tựa đề "Kịch bản đầy ác mộng", tạp chí Anh The Economist nhận định là đã đến lúc các người bạn và kẻ thù của Bắc Triều Tiên phải chuẩn bị để đối phó với tình huống xấu nhất. Lời nhắn nhủ đặc biệt nhắm vào Trung Quốc, cho đến giờ vẫn bao che cho đàn em của mình.

Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (P) và Ngoại Trưởng Dương Khiết Trì tại Hội nghị thượng đỉnh Jeju với Hàn Quốc và Nhật Bản ngày 30/05/2010
REUTERS/Lee Jae-Won

Trở lại với sự kiện đang làm bán đảo Triều Tiên trở lại thời kỳ chiến tranh lạnh, The Economist trước tiên nêu câu hỏi là Bình Nhưỡng có tính toán sai lầm khi bắn chìm chiếc Cheonan của Hàn Quốc hay không, vì sự cố đã làm dấy lên phản ứng quốc tế, phản ứng đặc biệt mãnh liệt của Hàn Quốc, Nhât Bản, và Hoa Kỳ. Tổng thống Mỹ Obama đặt cả uy lực của quân đội Hoa Kỳ sau lưng người đồng minh của mình. Hệ quả của sự cố này cũng không chỉ bó hẹp ở bán đảo mà còn tác động đến cả thị trường tài chính thế giới.
Tạp chí Anh lo ngại là Bắc Triều Tiên lại sẽ đặt cược cao hơn nữa, và đã đến lúc, theo tạp chí, là các nước láng giềng phải suy nghĩ, hợp sức như thế nào đó để đối phó với nguy cơ mà họ khó thể làm ngơ nữa.
Đối với The Economist ông Kim Jong Il không phải là một nhân vật dễ bị ảnh hưởng, do đó có thể là lãnh đạo Bình Nhưỡng sẽ còn có những hành động khiêu khích khác nữa để nắn gân Hàn Quốc, nhất là trong tình hình Bắc Triều Tiên gặp thêm những vụ chấn động tài chính khác ảnh hưởng đến ổn định kinh tế.
The Economist không tán thành chút nào thái độ mà tạp chí cho là nhút nhát của Trung Quốc trên hồ sơ này. Vì trước công luận, Bắc Kinh đã không dám nói đến việc chiếc Cheonan bị tấn công, mà chỉ kêu gọi các bên hãy giữ thái độ từ tốn.
Theo The Economist, Trung Quốc lo ngại cho sự ổn định của Bắc Triều Tiên. Nhưng thái độ này, trong mắt tạp chí Anh, không chỉ là yếu đuối, mà nó còn ngu xuẩn nữa là khác, vì khi làm ngơ trước hành động khiêu khích mới của ông Kim Jong Il, tất nhiên nhân vật này sẽ có thêm hành động khác.
The Economist đánh giá là mới chỉ có vụ chiếc tàu Cheonan bị tấn công mà Trung Quốc không thể thảo luận sâu hơn với Hoa Kỳ, thì nếu xẩy ra những sự cố nghiêm trọng hơn, như chiến tranh bùng nổ ở bán đảo, một sự cố hạt nhân, hay chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ thì hệ quả còn sẽ ra sao. Trung Quốc sẽ phải gánh chiụ hậu quả nếu phớt lờ những mối hiểm nguy này.
The Economist công nhận là những sự kiện trên chưa xẩy ra. Ông Kim Jong Il vẫn nắm chặt quyền hành. Và ông đã sử dụng sự cố chiếc tàu Cheonan để khuấy động tinh thần dân tộc người Bắc Triều Tiên, ông hô hào là đất nước họ sắp bị tấn công. Tuy nhiên, The Economist cũng cảnh báo, Kim Jong Il sẽ không sống mãi, và vấn đề thừa kế, chuyển giao quyền hành ở Bắc Triều Tiên sẽ vô cùng nguy hiểm.
Hiện nay thì năm quốc gia cùng Bắc Triều Tiên thảo luận về việc phi hạt nhân hoá bán đảo. Cả năm quốc gia này theo bài báo, sẽ phải dấn thân vào vấn đề tương lai của Bắc Triều Tiên. Không một quốc gia nào có thể đứng ngoài, vì có nhiều vấn đề cấp bách như quản lý thế nào vấn đề người di tản, ai sẽ đứng ra bảo đảm an toàn vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên, Trung Quốc hay Hoa Kỳ, một khi chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ.
Trong phần kết luận, The Economist, đánh giá là trước khi những sự cố này xẩy ra, Trung Quốc cần phải làm một việc: Phải công nhận là không làm gì hết rất nguy hiểm. Và nếu sự cố tàu Cheonan có thể giúp lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy điều này, thì số 46 thủy thủ Hàn Quốc không chết một cách oan uổng.
Trung Quốc phải nhanh chóng lấp hố sâu giàu nghèo trong xã hội
Tạp chí Courrier International tuần này cũng chú ý đến Trung Quốc, nhưng là trên tình hình nội bộ, và với một cái nhìn phần nào bi quan : mô hình phát triển đang bị xơ cứng, bất công xã hội, hố sâu giàu nghèo như một quả bom nổ chậm trong lúc ở thượng tầng nhà nước, đãu tranh nội bộ gay gắt vì gần đến Đại Hội Đảng lần thứ XVIII.
Courrier International trích dẫn bài phân tích của giám đốc Trung Tâm nghiên cứu Đông Á, Đại học Singapore, ông Zheng Yongnian, nêu bật mặt mạnh và mặt yếu kinh tế Trung Quốc, mà theo nhà nghiên cứu, đang lâm vào một cái vòng luẩn quẩn.
Nhà nghiên cứu nhìn thấy trước tiên là kinh tế Trung Quốc có một khu vực nhà nước rất rộng lớn. Điểm tích cực, là nhà nước có thể can thiệp hữu hiệu trong trường hợp khủng hoảng, nhưng khu vực đó phải có giới hạn, phải có một điểm cân bằng, vì không thể để lãnh vực công đè bẹp lãnh vực tư. Nhưng vấn đề cần phải được quan tâm là tìm đươc một điểm cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội.
Theo bài báo, đi đến một xã hội hài hoà như chủ trương của lãnh đạo Trung Quốc là một mục tiêu tốt đẹp, nhưng những biện pháp cụ thể để đạt được mục tiêu đó lại không hợp lý, vì chính phủ Trung Quốc chỉ tập trung vào chính sách kinh tế và bỏ hẳn qua một bên khiá cạnh xã hội. Do đó Trung Quốc phải thực hiện một loạt cải tổ cần thiết, trong lãnh vực y tế, giáo dục hay trong vấn đề nhà ở.
Tác giả bài báo nhìn thấy là ở các nước khác, chính phủ đầu tư vào các lãnh vực nói trên, nhưng tại Trung Quốc thì không. Và trong các lãnh vực đáng lý ra chính phủ phải can thiệp mạnh mẽ thì lại để các cá nhân làm giàu nhanh chóng. Và khi không có chính sách xã hội đúng đắn, thì xã hội lại bị hy sinh cho tăng trưởng kinh tế. Như thế Trung Quốc bước vào một cái vòng luẩn quẩn, đó là phát triển kinh tế càng nhanh, thì tình hình xã hội càng xấu đi, xã hội càng yếu kém thì phát triển kinh tế càng trở nên khó thể chiụ đựng nổi nữa.
Theo ông Zheng Yongnian, Trung Quốc phải ra khỏi tình trạng một nhà nước giàu và quần chúng thì lại nghèo. Nếu không thì tầng lớp lãnh đạo sẽ trở thành chính phủ "ăn cắp" mà giới trí thức từng nêu lên.
Bài báo cũng nêu một số việc cần làm : chống nghèo khó, tăng lương lao động, cải thiện cơ cấu guồng máy lao động hay cải tổ hệ thống thuế, để thay đổi mô hình "Nhà nước giàu, dân nghèo" và mang lại công bằng xã hội hơn. Vì sẽ không có ổn định xã hội nếu không có công bằng xã hội.
Trên mặt công bằng xã hội này, Courrier International  nhận thấy đây là một ưu tiên mà chính quyền Trung Quốc phải dấn thân vào. Hố sâu giàu nghèo, chênh lệch về thu nhập đã đến mức báo động. Theo tạp chí Pháp, ngay Tân Hoa Xã cũng đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo. Tạp chí minh hoạ tình hình bằng một quả bom đỏ mà ngòi nổ đã được châm lên.
Bài báo trên tờ Courrier trích dẫn ông Su Hainan, giám đốc Viện nghiên cứu về lương bổng ở bộ Lao động Trung Quốc, cho là chênh lệch về đồng lương ngày càng cao ở mọi cấp, và cách biệt khá lớn. Ví dụ ngay trong cùng một công ty nhà nước được yết giá trên thị trường chứng khoán, lương cán bộ cao cấp hơn 18 lần lương công nhân tại đãy và cao gấp 128 lần thu nhập trung bình ở Trung Quốc.
Còn so sánhthành thị và nông thôn, ở Trung Quốc, thu nhập trung bình dân thành thị cao hơn gấp 3 lần thu nhập ở nông thôn, trong lúc theo bài báo, ở các quốc gia khác, chênh lệch chỉ là gấp đôi.
Theo Courrier International, có 3 lãnh vực ở Trung Quốc có thể làm giàu nhanh chóng : điạ ốc, ngành mỏ và chứng khoán, đã giúp một thiểu số làm giàu vượt bực. Bài báo trích dẫn tạp chí Forbes, năm 2009, trong số 400 người giàu nhất Trung Quốc, thì có đến 154 người trong lãnh vực điạ ốc.
Tuy nhiên theo một chuyên gia, cho dù ngày nay người ta có vẻ dễ chấp nhận sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội hơn trước, nhưng nếu không sớm lấp cái hố ngày càng rộng hơn thì sẽ có những hậu quả tai hại. Theo ông Su Hainan nói trên, vấn đề phân chia tài sản quốc gia giữa nhà nước, các tập đoàn xí nghiệp và hộ gia đình, đặt ra nhiều vấn đề. Lương lao động rất thấp, và không có một cơ chế nào hầu tăng lương một cách bình thường được thiết lập cả. Trong chi phí vận hành của một công ty, nếu ở các nước phát triển, tiền lương nhân công chiếm 50% thì tại Trung Quốc, lương nhân công chỉ chiếm 10%.
Còn trong ngân sách nhà nước thì khoản dành cho lãnh vực xã hội cũng không đươc quy định rõ ràng. Cho nên theo các chuyên gia, nếu Trung Quốc muốn tránh được thảm hoạ do hố sâu giàu giàu nghèo thì cần phải nhanh chóng cải tổ toàn diện hệ thống phân chia tài sản quốc gia.
Đường đến Nam Phi
Còn không đầy hai tuần nữa là Cúp Bóng Đá thế giới khai mạc ở Nam Phi. Nhân dịp này, tạp chí l'Express dành trang đầu và cả một hồ sơ 6 trang bên trong cho "những bí mật của đội tuyển Áo Xanh", kể lại nào là cuộc sống điên cuồng của các ngôi sao, nào là những câu chuyện hay, nhưng cũng có nhũng vụ xi căn đan. Tạp chí còn quả quyết là 3/4 người Pháp sẽ theo dõi Cúp Bóng đá Thế giới.
Le Nouvel Observateur nhân dịp này nhìn lại Nam Phi của ông Mandela, mà trong thời kỳ thị chủng tộc Apartheid, bóng đá là môn thể thao của người da đen. Các trẻ em khu phố bình dân ổ chuột, tù khổ sai ở Robben Island, ai cũng đều chơi bóng đá. Chỉ cần một quả banh, hai chiếc gậy là có thể tranh tài. Le Nouvel Observateur nhìn thấy là đối với dân tộc bị lăng nhục thời kỳ này, bóng đá là một phương tiện để tự giải phóng, và nó đã trở thành một trong những rường cột của quốc gia Nam Phi hiện đại. Mai vân
Theo viet

  • 0 nhận xét:

    • Đăng nhận xét

      ♦ Mời bạn gửi Nhận xét của mình. Nếu không có tài khoản, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách Chọn hồ sơ là Tên/URL hay Ẩn danh.
      ♦ Các bạn nên để lại nhận xét của mình để góp ý , phản hồi, đánh giá bài viết . Thông qua Nhận xét hãy để cho mọi người biết Bạn là ai.
      BQT + NLH +

Music Online