preload
Những cuộc di tản hoảng loạn khỏi Sài Gòn, và những đoàn người cố vào đây mong tìm kiếm chút hi vọng. Ở đây không còn trận tuyến nữa, bởi vì một trong những đội quân được trang bị tốt nhất thế giới đang tan vụn ra thành từng mảnh. Chỉ có điều chưa rõ là cuộc chiến tranh lâu dài nãy sẽ đi đến kết thúc bằng phương thức nào.
LTS: Bài viết dưới đây mà Bee.net.vn đăng tải lại từ X&N là của một tác giả người Ý, tên là..... Ông có mặt trong đội quân viễn chinh Mỹ cận thời điểm 30/4/1975 của Sài gòn. Dù đã cố khách quan, nhưng ... đôi khi vẫn không thoát khỏi góc nhìn của "phía bên kia" chiến tuyến khi nhìn về những người chiến thắng - Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bee giới thiệu bài viết như một dạng tài liệu tham khảo.
"Tôi sẽ tìm cách thoát khỏi người Mỹ. Nếu tôi không thể làm được điều ấy... anh có thể lo cho tôi một hộ chiếu Italia được không?". Đó là ngày 20/4. Từ cái nhìn của thượng úy cảnh sát Khiêm, một anh thanh niên 25 tuổi, tiến sĩ khoa học chính trị và từ một năm nay phục vụ trong cơ quan nhập cư tại sân bay Tân Sơn Nhất, sự tự tin đã biến mất mà trước đó 10 ngày anh ta còn thể hiện, lúc tôi gặp làm quen anh.
Sài Gòn ngày 30/4/19745
Sài Gòn ngày 30/4/1975

Chúng tôi gặp nhau lần thứ hai tìm cách đi Sài Gòn, lần này cũng thất bại như lần thứ nhất. Tên tôi nằm trong danh sách đen, tôi là người ông Thiệu không ưa. Trong khi lần đầu tiên tôi tìm cách tìm hiểu thủ đoạn vô cùng tàn bạo của cảnh sát- tôi bị đẩy lên chiếc máy bay mà tôi đã bay đến đây, như vậy đây là lần thứ hai tôi phải bằng lòng, 18 tiếng đồng hồ như tù binh ngồi tại sân bay, ngồi chờ chuyến bay kế tiếp đi Bangkok. Tại đây tôi đã làm quen với Khiêm. Chúng tôi ngồi rất lâu bên cạnh đường băng hạ cánh và nói chuyện với nhau để xua đi sự nhàm chán và cái oi bức buổi tối.
Tiếng ồn ào của máy bay hạ cánh và cất cánh át cả tiếng nói của chúng tôi, nhưng không phải lúc nào hỏa lực pháo binh cũng chìm nghỉm mà Bắc Việt và Việt Cộng ám chỉ một cách không thể hiểu lầm rằng họ còn cách Sài Gòn 50km.

Thượng úy Khiêm nói một cách bình tĩnh và tin tưởng ở tương lai. Và những lời ca thán của tôi cũng không lay chuyển nổi niềm tin của anh. Anh nói về sự cần thiết đánh trả sự tấn công của "kẻ địch", về khả năng chiếm lại những vùng đã bị mất, về triển vọng người Mỹ suy nghĩ lại tiếp tục viện trợ quân sự ồ ạt và có thể gửi hải quân trực tiếp can thiệp một lần nữa.

Mười ngày là một thời gian đủ để quét đi niềm tin tưởng và giáo điều của anh ta. Thiệu trước đó hai ngày từ chức và để lại Nam Việt Nam những ngày hoảng loạn trước khi phía bên kia thực sự làm chủ được tình hình.
Cuộc di tản hoảng loạn 

Người Mỹ lần thứ hai không muốn sa vào một cuộc chiến tranh "bẩn thỉu" ở Việt Nam, nhấc hệ thống phòng thủ Nam Việt Nam khỏi chiếc cần câu, lớp chính khách Sài Gòn không quyết tâm và bất lực tận dụng không gian đàm phán - dù còn chật hẹp, tất cả những điều ấy đối với Khiêm không còn gì để nhận xét và tranh cãi nữa, mà là những nhân tố có tính quyết định, cố định rồi.

Đối với anh cũng như hàng ngàn sĩ quan khác của quân đội Sài Gòn, vấn đề tôn trọng tối thiểu cũng đã giảm đi: bây giờ tìm cách tự cứu mình để thoát khỏi sự trả thù của những người chiến thắng đang tiến vào.

Chương cuối lịch sử 30 năm cuộc chiến tranh Việt Nam đã mở ra, dù rằng đa số người dân Sài Gòn làm như họ không hay biết gì. Nhưng nó chỉ là sự thoáng qua: dưới cái vẻ bàng quan bề ngoài ấy chứa đựng sự sợ hãi, sợ về tương lai, về một cuộc "tắm máu" mà Nam Việt Nam tuyên truyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Bắc Việt Nam sẽ gây ra sau khi họ chiến thắng.

Cũng không khó khăn gì, người ta nhận biết thực tế người Sài Gòn cảm nhận như thế nào: Cảnh buôn bán chợ đen với hộ chiếu ngoại quốc - với hộ chiếu đó người ta có thể thoát được việc cấm xuất cảnh - đang phát triển mạnh và hối hả như đổi đồng piaster, đồng tiền ở nước ngoài người ta coi như giấy vụn.

Không thể tìm được một chỗ duy nhất trong các chuyến bay cất cánh từ Sài Gòn - Tất cả triệu chứng của sự hoảng loạn đã bùng phát trong giới giàu có, tư sản- tầng lớp xuất hiện và lớn lên trong vạt váy bộ máy quân sự Mỹ - trong viên chức và sĩ quan có quyền nhũng nhiễu dân.

Người ta có thể nhận ra thân phận của những người tỵ nạn chính trị ở bộ đồ chơi golf bằng da sang trọng chất đống cao bên cạnh hàng loạt vali hành lý của họ tại gian phòng trong sân bay Tân Sơn Nhất trước khi máy bay cất cánh đi Bangkok, Hongkong hay Đài Bắc.

Chỉ cách đó chừng trăm thước, những người tỵ nạn khác đang ngồi chờ đợi tại một nơi đầy bụi bặm mà nắng chói chang mà hành lý của họ gồm những túi xách nghèo nàn, vali và thùng cacton cột dây chằng chịt.

Bám lấy hi vọng có thể tìm được một chỗ trong máy bay vận tải Mỹ thường xuyên cất cánh đến đảo Guam và Philippines, họ ngồi chờ đợi hàng tiếng đồng hồ dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Thỉnh thoảng có một chiếc xe bus chạy đến chở một số người đi ra sân bay, đưa họ đến các phòng tạm trước đây dành cho phi công Mỹ. Sự chờ đợi dài dằng dặc trong im lặng đầy lo sợ và nặng nề, mong đến phút được bước lên máy bay.

Giờ phút ấy còn kéo dài cho đến khi các sự kiện dồn dập và những đoàn quân Bắc Việt Nam đầu tiên biến vào thành phố. Sau đó, sự hỗn loạn mà tôi thấy là những trận đánh giáp lá cà hỗn loạn, thi nhau chạy một cách phi lý, trở thành một cuộc chen lấn dẫm đạp nhau hoang dại, không thương xót, giống như cảnh bi đát và rùng rợn người ta đã chứng kiến tại Đà Nẵng.
Và những người cố bám lấy hi vọng Sài Gòn

Cũng như nhiều người cất cánh từ Sài Gòn, do sợ hãi đã có biết bao người từ các tỉnh đổ dồn về đây. Người ta không cần can đảm rời xa Sài Gòn, ở đây ta có thể bắt gặp họ.

Người di tản thực ra là những nhân vật chính không phương tiện tự vệ của cuộc chiến tranh mà họ không còn cảm thấy trách nhiệm, nhưng họ phải là người chịu mọi sự ác liệt ghê gớm nhất.

Trên đường đi Biên Hòa, căn cứ quân sự Nam Việt Nam đã bị quân giải phóng bao vây, người ta bắt gặp hàng ngàn người di tản như một đám rước im lặng và cay đắng kéo dài hàng cây số.

Gương mặt họ đã chai cứng. Trong ánh mắt của họ toát lên sự bối rối, sợ hãi và nhục nhã. Dưới ánh mặt trời chói chang, họ đi trên hai lề đường, đầu cúi gằm và lưng khom xuống, như trọng lượng của nỗi bất hạnh đang đè nặng lên cơ thể họ. Những người không có trẻ em thì vác bị hay túi xách, gồng gánh trên vai.

Những em bé nào còn đi được thì cũng phải phụ giúp mang vác đồ đạc, dù đó là cái nồi cũ kỹ, hoặc chăn dắt một con bò gầy gò đi theo. Đi ngược chiều họ là đoàn xe tăng hành quân ra phía trước để thay cho đơn vị đã kiệt sức, bị đánh tan tác, bắt đầu rút quân.

Giữa những người dân di tản, có nhiều binh sĩ - bỏ chạy: họ đã mất hết tinh thần chiến đấu, đơn vị của họ chỉ nói lên một điều chắc chắn - tất cả đã mất sạch chỉ còn lại một nỗi lo cứu sống mạng mình.

Đa số họ còn rất trẻ và đã từng nếm trải bằng tính mạng của mình, rằng cuộc chiến tranh vô nghĩa như thế nào, nếu nó được tiến hành mà không vì một sự việc nào hết, nếu nó không có một lý tưởng chủ đạo động viên nó, nếu nó không có thể dựa vào sự đồng thuận của một dân tộc đồng tâm nhất trí với nó. Bây giờ họ đã nhận ra điều ấy, nhưng đã quá muộn.

Nhưng những người lính đứng gác tại rào chắn không cho người di tản chạy vào Sài Gòn, họ chưa nhận thức được điều ấy. Họ cư xử ngạo mạn và tàn bạo, bắn súng chỉ thiên để dọa nạn những người mà giờ đây không còn gì để mất nữa. Sự hỗn loạn không sao tả nổi. Chiếc xe của chúng tôi có gắn chữ "Báo chí" trên cửa kính đã bị dòng người tràn qua lưới kim loại giăng rộng cả mặt đường vây chặt.

Người ta nhìn thấy binh sĩ dùng báng súng dọn đường đi trong đám đông người. Chúng tôi được phép đi qua trước ánh mắt của những người di tản, chúng tôi càng cảm thấy mình có lỗi nhiều hơn khi được biết chỉ có số ít trong họ sẽ được vào Sài Gòn.

Thực tế chỉ có số ít vượt qua được sự kiểm tra giấy tờ và hành lý nghèo nàn của họ, sự khám xét của mình. Đại đa số đã bị khước từ, không một lời thỉnh cầu hay lý giải nào có thể lung lay được sự cứng nhắc của họ.

Hàng ngàn Piaster có thể lung lạc binh sĩ nhắm mắt làm ngơ, nhưng số tiền Piaster nhiều như thế làm gì có trong túi của những người di tản này.

Một anh thượng sĩ giải thích cho chúng tôi: ’’Trong số những người muốn vào Sài Gòn có Việt Cộng muốn trà trộn vào. Chúng tôi không muốn gặp rủi ro và để cho ho tiến quân vào thành phố trước mũi chúng tôi".

Lời nói của anh ta có một âm thanh phi lý, như trên trời rơi xuống, bởi vì Việt Cộng đã nằm sẵn trong các khu rừng và ruộng đồng hai bên đường.

Ở đây không còn trận tuyến nữa, bởi vì một trong những đội quân được trang bị tốt nhất thế giới đang tan vụn ra thành từng mảnh. Đơn vị trinh sát đang dò tìm Việt Cộng một cách vô vọng trước mắt chúng tôi và với niềm tin ít ỏi, không ai muốn mình bỏ mạng trước lúc kết thúc cuộc chiến.

Không nghi ngờ gì về các chấn động cuối cùng. Chỉ có điều chưa rõ là cuộc chiến tranh lâu dài nãy sẽ đi đến kết thúc bằng phương thức nào.
Ottavio Di Lorenzo- Bản dịch từ tiếng Italia của Monika Lopez
(Theo Xưa và Nay  tháng 4/2010 - Bee.net.vn ) 
  • 0 nhận xét:

    • Đăng nhận xét

      ♦ Mời bạn gửi Nhận xét của mình. Nếu không có tài khoản, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách Chọn hồ sơ là Tên/URL hay Ẩn danh.
      ♦ Các bạn nên để lại nhận xét của mình để góp ý , phản hồi, đánh giá bài viết . Thông qua Nhận xét hãy để cho mọi người biết Bạn là ai.
      BQT + NLH +

Music Online