preload

Trung Quốc có thể sẽ ủng hộ các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên vừa bị cáo buộc bắn chìm một tàu chiến Hàn Quốc. Tuy nhiên, theo giới phân tích, mối quan tâm hàng đầu của Bắc Kinh là duy trì sự ổn định trong khu vực Bắc Á.
Ngày hôm qua, 20/05/2010, Trung Quốc đã kêu gọi “tất cả các bên hãy kiềm chế” sau khi cuộc điều tra do các chuyên gia Hàn Quốc và quốc tế tiến hành, chính thức kết luận là ngư lôi của Bắc Triều Tiên đã bắn chìm tàu Cheonan hồi tháng ba, trong vùng tranh chấp lãnh hải ở Hoàng Hải, làm 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng. Đồng thời, Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ có những “đánh giá riêng của mình” về cuộc điều tra nói trên.



Xác chiến hạm Cheonan của Hàn Quốc neo tại cảng Pyeongtaek, phía nam Seoul. Ảnh chụp ngày 19/05/2010
REUTERS/Lee Jae-Won


Các nhà quan sát cho rằng, hiện nay, Trung Quốc đang ở trong tình thế khó xử. Một mặt, Bắc Kinh lo ngại là các biện pháp trừng phạt sẽ làm dấy lên một làn sóng người Bắc Triều Tiên ồ ạt chạy tỵ nạn vào Trung Quốc. Mặt khác, trước phản ứng mạnh mẽ của Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu và NATO, Trung Quốc có nguy cơ bị quốc tế cô lập nếu tiếp tục chính sách ủng hộ chế độ Kim Jong Il như trước đây.
Ông Chu Phong, giám đốc Chương trình An ninh Quốc Tế tại đại học Bắc Kinh, nói với AFP rằng “nếu tất cả những bằng chứng đều chỉ rõ đó là một sự khiêu khích của Bắc Triều Tiên, thì điều này sẽ có một tác động lớn đối với Trung Quốc và buộc Trung Quốc phải xem xét lại quan điểm của họ về Bắc Triều Tiên”. Theo chuyên gia này, nếu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thảo luận về hồ sơ vụ nổ tàu Cheonan nhằm quyết định các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên, thì Trung Quốc sẽ ủng hộ.
Ông Nicholas Szechenyi, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, có cùng nhận định nhưng lưu ý thêm là Bắc Kinh không muốn đi quá xa trong các biện pháp trừng phạt. Lý do là vì kinh tế của Bắc Triều Tiên đang kiệt quệ và Trung Quốc sẽ phải hứng chịu hậu quả đầu tiên: Đó là làn sóng người tỵ nạn nước này. Chuyên gia Szechenyi giải thích, lợi ích lớn nhất của Trung Quốc là duy trì sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc cung cấp viện trợ kinh tế cho Bắc Triều Tiên để giữ nguyên trạng, nhưng Bình Nhưỡng lại muốn thách thức quyết tâm của cộng đồng quốc tế. Do vậy, về lâu dài, Bắc Kinh khó có thể tiếp tục thái độ cầm chừng như hiện nay.
Đầu tuần tới, Hoa Kỳ và Trung Quốc tiến hành đối thoại chiến lược song phương tại Bắc Kinh. Vào dịp này, chắc chắn ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ gây áp lực, đòi Trung Quốc phải chấp nhận hợp tác với cộng đồng quốc tế, trừng phạt Bắc Triều Tiên. Theo ông Szechenyi, thì Trung Quốc không có nhiều thời gian để quyết định cách thức giải quyết vấn đề này cùng với Hoa Kỳ.
Trong khi đó, ông Willy Lam, thuộc đại học Trung Quốc ở Hồng Kông lại không nghĩ rằng Bắc Kinh công khai lên án hành động của Bình Nhưỡng. Theo ông, Trung Quốc có thể kín đáo nhắc nhở nhưng sẽ không lớn tiếng khiển trách Bắc Triều Tiên bởi vì việc này sẽ không có lợi cho bầu không khí mà Bắc Kinh đang cố gây dựng, nhất là sau chuyến viếng thăm Trung Quốc đầu tháng năm vừa qua của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il.
Có nhiều khả năng là Bắc Kinh sử dụng lập luận cố hữu là đừng vì “tiểu tiết” mà làm hỏng “đại cục”: Trung Quốc kêu gọi các nước tập trung nỗ lực giải quyết hồ sơ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên qua đó, đỡ đòn cho chính quyền Bình Nhưỡng và biện minh cho thái độ của mình.
Nguồn : viet
  • 0 nhận xét:

    • Đăng nhận xét

      ♦ Mời bạn gửi Nhận xét của mình. Nếu không có tài khoản, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách Chọn hồ sơ là Tên/URL hay Ẩn danh.
      ♦ Các bạn nên để lại nhận xét của mình để góp ý , phản hồi, đánh giá bài viết . Thông qua Nhận xét hãy để cho mọi người biết Bạn là ai.
      BQT + NLH +

Music Online